Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu và các hệ quả của ô nhiễm môi trường, các dự án công trình xanh nổi lên như một giải pháp cho vấn đề năng lượng và phát triển bền vững ngày càng được quan tâm hiện nay. Công trình xanh đã và đang được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên, tốc độ phát triển của công trình xanh giữa các quốc gia là không giống nhau. Bài viết dưới đây sẽ trình bày thực trạng công trình xanh ở Việt Nam cũng như tại một số quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan và Indonesia để xem cách các nước đang làm để thúc đẩy sự phát triển của công trình tiết kiệm năng lượng này. 

bird's eye view photography of buildings

Hình minh họa: Chính sách thúc đẩy công trình xanh ở các quốc gia Đông Nam Á

VIỆT NAM

Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn về thiếu hụt năng lượng, quá tải hạ tầng và ô nhiễm môi trường do tốc độ đô thị hóa nhanh, vào khoảng 39.2% và sẽ tăng lên mức 50-52% vào năm 2030 [4]. Trong đó, ngành xây dựng đang là nguồn tiêu thụ tài nguyên và phát thải khí nhà kính nhiều nhất [4]. Tuy vậy, tính đến tháng 4/2020, cả nước chỉ có 150 dự án được cấp chứng nhận công trình xanh dựa trên các bộ công cụ đánh giá như LEED, HQE, EDGE, LOTUS, GREEN Mark. Trong đó, LOTUS là hệ thống tiêu chí đánh giá được phát triển dành cho thị trường Việt Nam bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), còn lại là các bộ đánh giá quốc tế hoặc của các nước khác [3]. Trong 5 năm trở lại đây, thị trường công trình xanh ở Việt Nam đã có những tiến chuyển vượt bậc so với giai đoạn trước đó. Mỗi năm trung bình nước ta có khoảng từ 20-40 công trình được cấp giấy chứng nhận, nhưng nhịp độ phát triển này được đánh giá là chưa xứng với tiềm lực ngành xây dựng trong nước cũng như chưa theo được tốc độ tăng trưởng mô hình công trình xanh ở các nước trong khu vực [3],[4].

Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thờ ơ trước xu hướng công trình xanh chính là việc thiếu sự đầu tư quan tâm của nhà nước [4]. Trong Luật Xây Dựng sửa đổi điều 10 khoản 4 ngày 17/6/2020 có nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo đảm cắc yêu cầu bảo vệ môi trường” [1]. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được làm rõ trong các Nghị Định, Thông tư thi hành luật xây dựng như định nghĩa công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; các chính sách nhằm khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển công trình xanh; định mức kinh tế kĩ thuật để thúc đẩy sự tăng trưởng của các dự án công trình xanh được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước; mức độ tiêu thụ năng lượng của các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Một khảo sát của dự án EECB (GEF, UNDP tài trợ Bộ Xây dựng) đã cho thấy rằng lượng năng lượng sử dụng trong các công trình này cao gấp 2 lần so với các văn phòng làm việc cho thuê.[1]

Các chương trình, kế hoạch để định ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách chung thể hiện sự ủng hộ và hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực công trình xanh là rất cần thiết trong việc thúc đẩy sự phát triển và mức độ phổ biển của thị trường công trình xanh Việt Nam.

Hình minh họa: Số lượng dự án đạt chứng nhận LEED và LOTUS tại Việt Nam đang tăng, dù còn ở mức thấp (số liệu VGBC tổng hợp)

THÁI LAN

Thái Lan đã bắt đầu xu hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng vào những năm 1990. Năm 1950, đạo luật Khuyến khích Bảo tồn Năng Lượng (ECON) của nước này ra đời và đã quy định rằng các công trình có diện tích lớn hơn 2000 m2 hoặc có mức tiêu thụ trên 1000 MW phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn xanh về bên ngoài công trình, hệ thống chiếu sáng, hệ thống sưởi, điều hòa, năng lượng tái tạo và hiệu suất tổng quan [5]. Đến năm 2007, tòa nhà InterfaceFLOR ở Chonburi là công trình đầu tiên được cấp chứng nhận LEED ở Thái Lan. Kể từ đó các dự án công trình xanh đã tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 50% một năm trong thập niên đầu tiên và đến 2017-2018 đạt hơn 5 triệu m2 trên toàn đất nước [7].

Để đạt được những kết quả đó, từ lâu chính phủ Thái Lan đã đầu tư và khuyến khích công trình xanh tại nước này bằng những hình thức khác nhau. Từ năm 2003 đến 2012, Quỹ Quay vòng Tiết kiệm Năng lượng của Bộ năng lượng Thái Lan (Energy Conservation Revolving Fund) đã dành 235 triệu USD để cho vay 294 dự án nhằm mục đích đầu tư cho thiết bị, lắp đặt, tư vấn thiết kế, đường ống, và các công trình dân dụng hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời thúc đẩy đầu tư thương mại vào lĩnh vực này [5]. Ngoài ra, Hội đồng Đầu tư Thái Lan (Thai Board of Investment) đã miễn thuế cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và tiêu thụ năng lượng hiệu quả trong vòng 8 năm để khuyến khích phát triển thị trường vật liệu xây dựng xanh ở nước này[5]. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan cũng thể hiện sự quan tâm đối với các vấn đề môi trường qua những điều luật được ban hành liên quan đến việc xây dựng, trang thiết bị, vận hành, và vật liệu xây dựng thân thiện môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả của những tiêu chuẩn và luật lệ này trên thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào cách nước này thực hiện nó.  Một số thông tin thêm có thể được tìm thấy trong link này.

Hình minh họa: số lượng công trình xanh LEED tại Việt Nam và một số nước châu Á (số liệu do VGBC tổng hợp)

INDONESIA

Indonesia là đất nước có những tiến bộ trong lĩnh vực công trình xanh với độ phổ biến của các dự án xanh vào khoảng 25 triệu m2, tương đương 5.7 lần diện tích Vatican [9]. Nhờ việc xây dựng các công trình đạt chuẩn xanh mà nước này đã giảm được 1 triệu tấn CO2, tương đương với việc giảm 216,000 xe chở khách trong vòng 1 năm [9]. Đồng thời nước này cũng giảm được 1.5 triệu MWh năng lượng tiêu thụ và nhờ đó tiết kiệm 120 triệu đô Mỹ [9].

Với mục tiêu giảm 26% lượng khí thải carbon, Indonesia đã thúc đẩy phát triển thành phố bền vững qua chương trình Bangun Praja với định hướng nâng cao khả năng quản lý tài nguyên môi trường, các không gian xanh, cơ sở vật chất công cộng, kiểm soát ô nhiễm và chất thải. Các ban ngành địa phương cam kết hỗ trợ các vấn đề liên quan đến công trình xanh, đồng thời xem xét sửa đổi các luật liên quan hoạt động xây dựng từ khâu thiết kế đến khi thực hiện để tối ưu hóa việc sử dụng đất và cấu trúc không gian. Bộ tài chính của nước này cũng tích cực đưa ra các biện pháp giảm bớt các thủ tục và chính sách liên quan đến thuế suất đối với các công trình được xây dựng theo hướng bền vững và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên ưu đãi thuế đối với công trình xanh này có nhiều điểm không được rõ ràng [10].

 

SINGAPORE

Là một trong những quốc gia dẫn đầu trong khu vực về phát triển bền vững, Singapore đặt mục tiêu 80% công trình ở nước này đạt chuẩn công trình xanh vào năm 2030 [11]. Từ khi triển khai kế hoạch Green Mark vào năm 2015, số lượng công trình xanh ở Singapore đã tăng từ 17 lên 2100 dự án vào năm 2014. Công trình xanh ở nước này chiếm 25% trên tổng số lượng công trình với tổng diện tích sàn là khoảng 62 triệu m2 [11] . Lộ trình xây dựng xanh ở Singapore được phát triển mạnh mẽ nhờ nỗ lực của nhiều cơ quan trong đó Building and Construction Authority (BCA) là cơ quan dẫn đầu [11].

Các tòa nhà ở Singapore hiện đang chiếm hơn 30% tổng mức năng lượng tiêu thụ của nước này mà trong đó 40-50% năng lượng của tòa nhà được dùng để vận hành hệ thống điều hòa không khí [11]. Vì vậy để nâng cao hiệu quả các công trình xây dựng, chính phủ Singapore đã có những chương trình khuyến khích giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng dành cho những đối tượng và mục đích khác nhau. Một số nguồn tài trợ của chính phủ Singapore có thể kể đến như,

  • Green Buildings Innovation Cluster (GBIC) Building Energy Efficient Demonstations Scheme (GBIC-Demo) tạo điều kiện giúp cho các công trình xây dựng ứng dụng những công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng nhưng chưa được phổ biến rộng rãi với mức hỗ trợ có thể lên đến 70% chi phí hoặc 3 triệu đô cho mỗi dự án (lấy mức thấp hơn) [2].
  • Building Retrofit Energy Efficiency Financing (BREEF) Scheme sẽ cung cấp nguồn tài chính ban đầu để đầu tư vào hạng mục năng lượng của công trình đang sử dụng, bao gồm các chi phí về trang thiết bị, lắp đặt, và phí dịch vụ chuyên môn. Khoản vay tối đa là 90% chi phí dự án hoặc 4 triệu đô (lấy mức thấp hơn). Thời hạn cho vay tối đa là 5 năm với mức lãi suất được quyết định bởi một tổ chức tài chính [2].
  • Built Environment Accelerate to Market Programme (BEAMP) được thành lập nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu và các công ty cùng hợp tác nhằm nhanh chóng xử lý các vấn đề về năng lượng và phát triển những dự án giả quyết những thách thức của ngành xây dựng. Chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính lên đến 70% chi phí dự án cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương và 50% chi phí dự án cho các doanh nghiệp không phải vừa và nhỏ [2].

Thông tin về quỹ tài trợ khác ở Singapore có thể được tìm thấy qua link này, và link này. Qua đó, ta có thể thấy Chính phủ Singapore đang tạo một môi trường thuận lợi để thúc đẩy việc xây dựng các công trình đạt chuẩn xanh tại nước này. Họ khuyến khích các công trình sử dụng đổi mới công nghệ, ứng dụng những mô hình hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng công trình.

 

Phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả là một trong những giải pháp của ngành xây dựng giúp ứng phó với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng và mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Các quốc gia có những chính sách phát triển công trình xanh riêng, tuy nhiên ở các nước châu Á, Chính phủ thường đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, định hướng, cũng như khuyến khích sự phát triển này [3]. Sự ủng hộ của các cơ quan Nhà nước cùng sự phối hợp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội sẽ nâng cao hiệu quả của các công trình trong tương lai cũng như phát triển thêm nhiều mô hình tiến bộ hơn trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả và ít ảnh hưởng đến môi trường [3].

Nguyễn Ngọc Hồng Linh

VGBC Technical Team

 THAM KHẢO

  1. https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1268/67167/chinh-sach-phat-trien-cong-trinh-xanh-tai-viet-nam.aspx
  2. http://www.greenfuture.sg/2020/02/16/2020-guide-to-singapore-government-funding-and-incentives-for-the-environment/
  3. https://edeec.com/phat-trien-cong-trinh-xanh-dinh-huong-cho-viet-nam/
  4. https://vovgiaothong.vn/can-them-nhung-cu-huych-cho-phat-trien-cong-trinh-xanh
  5. https://oxfordbusinessgroup.com/news/thailand-setting-standard-green-building-incentives
  6. https://edition.cnn.com/travel/article/singapore-greenest-city/index.html
  7. https://www.nationthailand.com/property/30338571
  8. https://lorenz-partners.com/download/thailand/NL208E-Green-Building-in-Thailand-Feb20.pdf
  9. https://ifc-org.medium.com/indonesia-makes-good-progress-in-green-building-9a3165842cc1
  10. https://core.ac.uk/download/pdf/32452612.pdf
  11. https://opentoexport.com/article/green-buildings-incentives-and-opportunities-in-singapore/