Các công cụ đánh giá này có tác dụng khuyến khích việc đưa giải pháp thiết kế “xanh” tổng thể, đảm bảo công trình xây dựng tuân theo các tiêu/quy chuẩn quốc gia, hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đồng thời nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh. Cách tổ chức công khai và độc lập của các hội đồng công trình xanh giúp đảm bảo rằng các hội đồng này hoạt động độc lập và minh bạch trong việc đánh giá các tiêu chí về môi trường cho công trình xây dựng.
Đâu là sự khác biệt giữa LOTUS và các công cụ đánh giá nước ngoài?
Hiện tại trên thế giới có rất nhiều công cụ đánh giá công trình xanh thuộc các quốc gia tiên tiến và đều tuân thủ theo các đặc thù riêng của từng quốc gia. Chính tổ chức Hội đồng Công trình Xanh Thế giới (WGBC) cũng đã kêu gọi việc xây dựng các công cụ đánh giá công trình xanh cho từng quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng lãnh thổ. Có thể thấy xu hướng áp dụng các công cụ đánh giá công trình xanh của nước ngoài khá phổ biến tại một số nước trong khu vực châu Á. Các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng hệ thống đánh giá của quốc gia họ thay vì hệ thống của cả khu vực. Nhất là đối với các nhà đầu tư Singapore, họ thường sử dụng Green Mark thay vì các hệ thống khác. Khi trong nhiều trường hợp, việc áp dụng một hệ thống đánh giá tại một quốc gia khác gặp phải nhiều vấn đề phức tạp và phiền hà không đáng có do công cụ đánh giá thường đề cập tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn và luật xây dựng của nước đó.
WGBC và nhiều tổ chức quốc tế khác đã công nhận rất nhiều các công cụ đánh giá trong khu vực như GBI, BERDE, GREENSHIP hay LOTUS về chất lượng, tính chính xác kỹ thuật cũng như tính tương đương với các hệ thống đã được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên các công cụ này vẫn rất thiếu sự quảng bá tích cực và vì vậy, chưa được sự chú ý cũng như đánh giá cao.
Giải pháp thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam?
Vừa qua, VGBC đã chính thức cho ra mắt hai công cụ: “Công cụ LOTUS cho Công trình Phi Nhà ở – Phiên bản 1” và “Công cụ LOTUS cho Công trình Nhà ở – Phiên bản thử nghiệm” trong Hội nghị thường niên 2012 của VGBC, cũng là một cơ hội nhằm thúc đẩy và quảng bá hệ thống đánh giá LOTUS tại Việt Nam. Tại sự kiện này, VGBC đã công bố nhiều thông tin về các dự án đang triển khai áp dụng LOTUS trên thực tế như dự án Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc, công trình văn phòng và nhà máy của công ty cổ phần Mộc Bài và nhà máy GYPROC nhằm chứng minh rằng LOTUS có thể được đưa vào ứng dụng trong các công trình thực tế và phát huy tác dụng của một công cụ đánh giá công trình xanh. Trong và sau sự kiện này, VGBC đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều dự án mong muốn áp dụng LOTUS và thực tế chúng tôi đã có thêm 3 đến 4 dự án nữa đăng ký LOTUS vào năm nay. Đã có rất nhiều đơn vị trong ngành xây dựng ủng hộ cho LOTUS như các công ty tư nhân (nước ngoài và nhiều công ty Việt Nam), tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và nhiều tổ chức nhà nước cũng như các trung tâm nghiên cứu. Bộ Xây dựng đã dự đoán, diện tích đô thị sẽ tiếp tục tăng nhanh và vào năm 2020, diện tích đô thị sẽ tăng gấp đôi năm 2010. Cùng với đó, tốc độ xây dựng chóng mặt cũng ảnh hưởng lớn tới hạ tầng thành phố cũng như nguồn tài nguyên quốc gia trong vòng 40 năm tới. Chính vì vậy việc tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu xả thải là đặc biệt quan trọng và là thách thức lớn đối với mọi đô thị hiện nay.
Để vượt qua thách thức này, sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành, các khối là rất cấp thiết. Trong đó có sự tham gia của khu vực nhà nước, tư nhân, các hội đồng công trình xanh thông qua các hoạt động giáo dục và truyền thông. Là một thành viên trong mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương của WGBC vào năm 2009, VGBC luôn là một thành viên tích cực tham gia vào mọi hoạt động chung. Các hội đồng công trình xanh sẽ phối hợp các thành phần trong ngành xây dựng (khối tư nhân, khối các viện/trung tâm nghiên cứu và chính phủ) nhằm thúc đẩy ngành xây dựng phát triển theo hướng bền vững. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực thông qua các hội thảo, bài phát biểu và các khóa đào tạo.