Theo Hội đồng Công trình Xanh thế giới, 2000 ngày là thời gian còn lại để lĩnh vực xây dựng hoàn thành mục tiêu giảm thiểu một nửa lượng phát thải carbon vào năm 2030. Sử dụng năng lượng hiệu quả và thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo là giải pháp then chốt đưa môi trường xây dựng Việt Nam gần hơn tới mục tiêu này. 

Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng

Là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh nhất khu vực, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là ở các thành phố tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Theo Bộ Xây dựng, khoảng 40% tổng năng lượng tiêu dùng cả nước đến từ các công trình xây dựng, trong đó phần lớn là các tòa nhà cao tầng. Mỗi năm, tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng trưởng khoảng 6 – 7%. Sự phát triển của các công trình đang tạo sức ép ngày càng lớn lên nguồn cung năng lượng ở nước ta. 

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vào tháng 01/2024, nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đã và đang đặt ra nhiều thách thức trên con đường hướng tới phát thải ròng bằng “0” của nước ta.

Sử dụng năng lượng trong công trình và mục tiêu Net Zero

Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những trụ cột quan trọng cần được lưu tâm. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, yêu cầu trong giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phấn đấu mỗi năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025. Với ngành xây dựng, theo QĐ số 280/QĐ-TTg,  mục tiêu là đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo các chuyên gia, một cao ốc, tòa nhà nếu được thiết kế khoa học, hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30 – 50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50 – 90% các loại rác thải khác. Tuy vậy, trên thực tế, có đến 80-90% các công trình xây dựng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào các khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. 

Công trình xanh và tiêu chí năng lượng

Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WGBC) đã xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 về công trình xanh, nhấn mạnh mục tiêu carbon vận hành (operational carbon) bằng không với các công trình xây mới và giảm 40% carbon hàm chứa (embedded carbon) với các công trình xây mới, cơ sở hạ tầng và công trình cải tạo. 

Với vai trò thành viên của WGBC, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đang nỗ lực để đưa môi trường xây dựng Việt Nam gần hơn tới mục tiêu này. Tiêu chí năng lượng trong hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS do VGBC phát triển khuyến khích những giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng của tòa nhà qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng dụng năng lượng tái tạo trong vận hành. Thực tế, công trình xanh không chỉ đem lại lợi ích kinh tế về tiêu thụ năng lượng, mà còn ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe của người sử dụng tòa nhà.

Là một nhà máy chuyên cung cấp phụ liệu cho ngành may mặc Việt Nam, Phụ liệu Phú Cường (huyện Định Quán, Đồng Nai) là dự án đầu tiên đạt chứng nhận LOTUS Vàng theo Hệ thống chứng nhận Công trình Xanh LOTUS v3 cho Công trình xây mới. Nhà máy đã giảm 48.2% tổng mức sử dụng năng lượng qua việc sử dụng tấm làm mát để làm mát khu vực sản xuất; sử dụng hệ thống máy lạnh với hệ số hiệu quả năng lượng (COP) cải thiện 13.57%; giảm 76.4% mật độ công suất chiếu sáng (LPD) nhờ vào việc sử dụng hiệu quả hệ thống đèn LED. Hệ thống điện mặt trời cũng được lắp đặt tại dự án với công suất 841 và sản lượng ước tính 1187 MWh/năm, tương đương 115% tổng năng lượng tiêu thụ ước tính của dự án.

Tìm hiểu thêm về hiệu quả năng lượng trong hệ thống tiêu chí công trình xanh với VGBC tại Solar & Storage 2024.

Diễn đàn Năng lượng Tương lai là một sự kiện thường niên quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước đến thảo luận các thách thức và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo để Việt Nam hội nhập với xu hướng kinh tế xanh toàn cầu. 

Tham dự với vai trò đối tác hiệp hội, VGBC mong muốn chia sẻ những thông tin về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công trình nói riêng và chủ đề phát triển công trình xanh nói chung, từ đó kết nối với những tổ chức, cá nhân quan tâm đến năng lượng, năng lượng tái tạo, hay công trình xanh tại Việt Nam.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành của VGBC, sẽ điều phối phiên thảo luận với chủ đề “Phát triển công trình xanh hướng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” với nhiều chia sẻ chuyên sâu về tiêu chí năng lượng trong hệ thống đánh giá công trình xanh.

 

Sự kiện sắp tới

Những sự kiện sắp tới được tổ chức bởi VGBC và các đối tác.

Xem thêm