Khái niệm xanh hóa dù đã phổ biến nhưng thị trường xây dựng trong nước vẫn chưa có sự nhận thức đầy đủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số ngộ nhận thường gặp:
- CÔNG TRÌNH XANH CẦN VỐN ĐẦU TƯ LỚN
Nhà phát triển thường ngại đầu tư vào công trình xanh vì suy nghĩ chi phí xây dựng ban đầu lớn, thường cao hơn khoảng 2% so với công trình thông thường. Tình trạng như vậy xảy ra khi dự án không áp dụng các giải pháp xanh ngay từ những giai đoạn đầu tiên hoặc lựa chọn những giải pháp phức tạp, không hữu ích hoặc có thời gian hoàn vốn dài.
Khi dự án áp dụng giải pháp xanh vào các giai đoạn cuối của quy trình thiết kế và xây dựng, chi phí phụ trội sẽ cao hơn. Giai đoạn này thường có những yêu cầu hiệu chỉnh thiết kế và phát sinh chi phí phụ trội khi thay đổi nhà thầu. Nếu tháo dỡ các hệ thống thiết bị đã được lắp đặt để có thể tích hợp các giải pháp xanh, chi phí phụ trội sẽ càng tăng cao. Áp dụng các giải pháp xanh ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế sẽ không làm tăng hoặc thậm chí có thể giảm chi phí đầu tư.
Các giải pháp phức tạp và không cần thiết. Một số công trình xanh áp dụng các biện pháp không giúp cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và chất lượng môi trường, mà thay vào đó chỉ đưa vào để có mức chứng nhận công trình xanh cao hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các giải pháp xanh đều có thể giúp giảm thiểu chi phí cho các tiện ích công trình. Một số hệ thống chứng nhận đánh giá công trình dựa trên điểm số thay vì dựa vào hiệu quả tiết kiệm năng lượng, nước và chi phí..
Chậm hoàn vốn. Nhiều giải pháp xanh có chi phí cao nhưng lại có thời gian hoàn vốn dài. Dự án cần lựa chọn giải pháp dựa vào thời gian hoàn vốn và khả năng giảm chi phí đầu tư chứ không nên quá chú trọng tới mức chứng nhận. Giải pháp xanh có hiệu quả sẽ giúp hoàn vốn đầu tư trong khoảng 2-3 năm.
Các biện pháp phức tạp. Biện pháp càng phức tạp thì càng tốn kém. Trên thực tế, vẫn có những biện pháp vừa đơn giản lại vừa giúp tiết kiệm chi phí thực hiện. Ví dụ như tỷ số diện tích cửa sổ – tường thấp sẽ làm giảm chi phí vỏ công trình, đặc biệt là chi phí lắp đặt vách kính (thường đắt hơn nhiều so với tường không trong suốt). Giảm diện tích cửa kính cũng giúp giảm sự thâm nhập của nhiệt và bức xạ mặt trời. Đối với một quốc gia nhiệt đới như Phi-líp-pin, để làm mát bên trong công trình., hệ thống điều hòa không khí sẽ phải tiêu thụ từ 50-70% tổng mức năng lượng sử dụng toàn công trình. Nếu sử dụng hệ thống điều hòa không khí giải nhiệt bằng nước, quá trình làm mát sẽ tiêu tốn nguồn nước. Giảm diện tích kính sẽ giảm tải nhiệt của công trình. Khi đó công trình sẽ cần một hệ thống điều hòa không khí nhỏ hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn, các thiết bị phụ trợ nhỏ hơn và đồng thời cũng có giá thấp hơn so với các hệ thống điều hòa lớn. Đối với hệ thống điều hòa không khí giải nhiệt bằng nước, giảm chi phí dành cho hệ thống cấp nước gồm bể chứa và máy bơm cũng góp phần giảm đáng kể chi phí toàn bộ công trình và các hệ thống bên trong.
- QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN CÔNG TRÌNH XANH RẤT PHỨC TẠP
Không phải tất cả hệ thống chứng nhận công trình xanh đều phức tạp và tốn kém. Nhiều hệ thống khá đơn giản, chỉ gồm một công cụ quyết định liệt kê các tiêu chí có thể áp dụng cho các hạng mục công trình cụ thể và một phần mềm đơn giản hóa thủ tục nộp hồ sơ và chứng nhận. Chương trình tính toán của những hệ thống này không hề phức tạp. Do đó, dự án có thể được cấp chứng nhận tạm thời trong vòng vài tuần kể từ khi nộp hồ sơ thiết kế. Nhà đầu tư có thể sử dụng chứng nhận tạm thời như một công cụ tiếp thị để làm tăng giá trị công trình. Dự án sẽ nhận được chứng nhận chính sau khi nộp hồ sơ hoàn công.
- CÔNG TRÌNH XANH CHỈ PHÙ HỢP VỚI DỰ ÁN LỚN
Phần lớn công trình xanh được chứng nhận đều là những công trình cao cấp. Điều đó gây ra hiểu lầm rằng chỉ những dự án lớn, phức tạp và có vốn đầu tư lớn mới có thể đạt chứng nhận công trình xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế có những hệ thống đánh giá có thể áp dụng cho nhiều loại hình công trình. LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) là một ví dụ điển hình. Đây là hệ thống chứng nhận, công cụ quyết định có tính ứng dụng rộng rãi và có thể dùng cho các loại hình dự án đa dạng. Bên cạnh LOTUS NR và LOTUS BIO áp dụng cho những dự án lớn, VGBC cũng đã phát triển LOTUS Small Buildings và LOTUS Homes với mục tiêu mang đến một hệ thống LOTUS được đơn giản hóa cho các dự án quy mô nhỏ.
NHẬN THỨC VỀ CÔNG TRÌNH XANH
Công trình xanh không chỉ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, mang lại hiệu quả kinh tế và sử dụng năng lượng mà còn góp phần cải thiện môi trường và sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, chính những ngộ nhận nêu trên đã vô tình gây nên thái độ tiếp nhận còn e dè. Để xóa bỏ những ngộ nhận đó, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng, qua đó đẩy mạnh và phát triển hơn nữa ngành xây dựng nói chung và công trình xanh nói riêng.
Theo: bworldonline.com