Sở Xây Dựng TP. Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định “Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu và lựa chọn thông minh của xây dựng kiến trúc Việt Nam”.
“Công trình xanh” được định nghĩa là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người.
Và vấn đề về CTX còn được bàn luận rất rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới từ cuối thiên kỷ thứ 20 khi hiện trạng môi trường ngày càng trở nên tồi tệ cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các hiện tượng khí hậu bất thường vượt khỏi tầm kiểm soát của chính con người. Theo đó một số nước đã thống nhất họp bàn tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 1992, để đề ra Tuyên ngôn về “ Chương trình môi trường và phát triển của thiên niên kỷ 21” – “Chương trình Nghị sự 21”. Từ đó, phong trào xây dựng xanh đã phát triển rộng khắp với cùng một mục tiêu là giải quyết vấn đề khó khăn này và tính đến giải pháp lâu dài về một cuộc sống bền vững cho loài người.
Theo như kết quả nghiên cứu và các tiêu chí về xây dựng của các nước trên thế giới, có thể thấy lợi ích dài lâu đã được minh chứng rõ ràng mà công trình xanh đem lại cho con người.
Ở Việt Nam hiện nay đã có một hệ thống công cụ được sử dụng để đánh giá công trình xanh, đó là bộ công cụ LOTUS được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) nghiên cứu, phân tích và phát triển dựa trên rất nhiều các công cụ khác trên thế giới (như Anh, Mỹ, Úc, Singapo, v.v….) và đưa ra những tiêu chí có thể áp dụng phù hợp theo các tiêu chí, các quy định pháp luật về xây dựng công trình tại Việt Nam cũng như các yêu cầu khác về môi trường, hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của Việt Nam. Tính đến nay, có 3 công trình đầu tiên đã nhận được chứng chỉ LOTUS là Văn phòng – nhà máy Việt nam Mộc Bài, Trung tâm thương mại BigC Green Square (BigC Di An), Nhà trẻ Pouchen và sắp tới sẽ là các công trình như Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc, các trung tâm thương mại khác của BigC ở một số tỉnh thành, VietinBank, Maineti là các dự án đã đăng ký chứng chỉ LOTUS.
Là một công trình đã được chứng nhận xanh, trụ sở công ty TNHH Intel Products Việt nam có vốn đầu tư: 1 tỷ US đôla. Đầu năm 2012 đã thực hiện một số dự án tiết kiệm điện nước với tổng tiền đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng để lắp đặt vòi nước hiện đại có gắn cảm ứng đóng mở tự động tiết kiệm nước, dùng nước tái sử dụng để tưới cây cỏ, dùng làm nước vệ sinh. Đồng thời lắp đặt hệ thống điều chỉnh hiệu suất năng lượng và tăng nhiệt độ làm lạnh máy lạnh trung tâm từ 5,6 đến 6,10C để tiết kiệm điện cùng một hệ thống Pin mặt trời. Kết quả là năm 2012 Công ty đã tiết kiệm được 2.158.535 KWh điện và 63.399 m3 nước, tính ra tiền tệ thu lợi được hơn 1,3 tỷ đồng.
Quan trọng hơn hết là nhận được sự khuyến khích, ủng hộ nhiệt tình từ chính phủ về hướng phát triển của các công trình xanh khi Bộ Xây dựng đã công bố 10 công trình đạt giải thưởng “Công trình có hiệu quả năng lượng” lần thứ nhất vào ngày 28/03/2013. Bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư VN cũng đã tổ chức cuộc thi “Kiến trúc xanh” theo các tiêu chí của Hội đề ra và đã công bố một số công trình đạt danh hiệu là công trình “kiến trúc xanh”.
Chúng tôi hoàn toàn có thể hi vọng là mô hình xây dựng xanh sẽ được nhân rộng tại Việt Nam trong thời gian tới khi đất nước càng phát triển và chúng ta có thể nhận thấy chỉ có áp dụng những giải pháp phát triển bền vững, đất nước mới có những bước đi vững chắc và lâu dài trên chặng đường phát triển ở phía trước.