Nằm trong khuôn khổ chương trình Năng lượng sạch của USAID (CEP), hội thảo “Hội thảo đánh giá tổng quan 7 Hệ thống cấp chứng nhận công trình xanh tren thế giới và trong khu vực – Ý nghĩa chính sách cho Việt Nam” do Bộ Xây dựng và USAID tổ chức vào ngày 23 tháng 7 năm 2014 tại Viện Kiến trúc Quốc gia, thu hút sự tham gia của khoảng 60 chuyên gia trong ngành cùng thảo luận và đưa ra các nhận xét về các công cụ đánh giá công trình xanh. Trong đó, có 2 đại diện của VGBC là Ông Trần Văn Thành – Giám đốc điều hành và Cô Đỗ Ngọc Diệp – Quản lý chương trình đào tạo được mời diễn thuyết và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng LOTUS, một trong 7 hệ thống công cụ đánh giá công trình xanh cho Việt Nam. 
 
USAID đã đưa ra nghiên cứu và so sánh tổng kết về 7 hệ thống đánh giá. Mặc dù có một số hạng mục đánh giá cho công trình xanh không có trong một vài hệ thống nhưng nhìn chung mỗi hệ thống đều có khoảng 12 hạng mục như Quản lý, Chất lượng không khí trong nhà, Năng lượng, Giao thông, Nước, Vật liệu, Đất sử dụng và Sinh thái, Ô nhiễm, Thích ứng và giảm nhẹ, Cộng đồng, Ưu tiên khu vực, Sáng kiến. Bên cạnh đó thì mỗi hạng mục lại có thể mang tên khác nhau nhưng vẫn mang ý nghĩa tương tự. Chỉ có điều khác biệt là ở tỷ trọng điểm của các hạng mục. So với các hệ thống khác, LOTUS xét nhiều điểm cho các Hạng mục như Năng lượng (chiếm 28% tổng số điểm), Vật liệu (11%), Sinh thái (10%) và Nước (10%). Đặc biệt còn có Hạng mục “Cộng đồng” và “Thích ứng & Giảm nhẹ” lần lượt chiếm khoảng 6% và 5% trong khi 3-4 hệ thống khác không có 2 hạng mục này. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy do điều kiện đặc trưng của từng quốc gia (như địa hình, vị trí địa lý, luật pháp cũng như thói quen sinh hoạt của người dân) mà điểm số cho từng hạng mục cũng sẽ khác nhau. Ví dụ như với điều kiện khí hậu khắc nghiệt như ở Việt Nam thì các giải pháp để ứng phó với biến đổi càng quan trọng hơn và từ đó vai trò của chúng cũng càng được nâng cao hơn.
Bảy hệ thống đánh giá không chỉ khác nhau trong quy trình đăng ký và xét duyệt chứng chỉ mà còn khác nhau về các điều kiện tiên quyết và các tiêu chí đánh giá.
 
 
Qua buổi hội thảo này, những khách tham dự đã hiểu rõ hơn về các hệ thống công cụ hiện có, đặc biệt các tiêu chí, một số thuận lợi và khó khăn khi áp dụng thực tế. 
 
 
Hi vọng rằng ngoài những tiêu chí cải tiến và có thể áp dụng được từ các hệ thống đánh giá nước ngoài, LOTUS sẽ vẫn tiếp tục giữ chất là một công cụ đáp ứng và phù hợp với các điều kiện tự nhiên và đặc thù của Việt Nam để giúp xây dựng nên những công trình xanh ‘Việt Nam’ ngang tầm quốc tế.
  
 
Trích nguồn: Tài liệu hội thảo – nghiên cứu của USAID, ASHUINhandan

Sự kiện sắp tới

Những sự kiện sắp tới được tổ chức bởi VGBC và các đối tác.

Xem thêm