Xu hướng phát triển công trình xanh ở Việt Nam và các nước trên thế giới không chỉ bao gồm các dự án sắp được xây dựng, mà các công trình được xây dựng trước đó và đang hoạt động theo cách truyền thống cũng có thể góp phần vào nỗ lực phát triển bền vững này. Tuy nhiên làm thế nào để khiến công trình xanh hơn thông qua việc tiết kiệm năng lượng? Dưới đây là 10 lời gợi í từ các chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh và phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, mặc dù ngày càng có nhiều dự án mới được xây dựng đạt chuẩn công trình xanh, tuy nhiên số lượng công trình hoạt động theo cách truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn. Vì vậy, sự tham gia của nhóm công trình này sẽ một động lực rất lớn cho sự phát triển và lan tỏa của hoạt động công trình xanh.
Lợi ích của các công trình xanh
Đầu tiên, việc nâng cấp các công trình theo hướng bền vững có thể đem lại những lợi ích lớn về mặt kinh tế thông qua các biện pháp giảm tiêu thụ điện, nước, và chi phí vận hành khác. Với chi phí năng lượng chiếm khoảng 20-25% chi phí hoạt động của tòa nhà, việc cải thiện những điểm chưa hiệu quả trong sử dụng năng lượng hàng ngày với chi phí thấp có thể tiết kiệm được 6-7% chi phí hoạt động [2].
Ngoài ra, phát triển các công trình xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp nâng cao chất lượng sống và sức khỏe cho những người đang sinh sống tại đó. Đơn cử việc cải thiện hệ thống chiếu sáng, tận dụng hiệu quả nguồn ánh sáng mặt trời có thể giúp nâng cao năng suất học tập và làm việc, giảm mệt mỏi, cải thiện tâm trạng và tinh thần [5].
Quan trọng hơn hết, việc xây dựng công trình xanh không chỉ dừng lại ở phạm vi dự án hay sự kiện mà nó còn góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về một cách sống hòa hợp với môi trường đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi con người về thói quen sống lành mạnh nhưng vẫn thoải mái và tiếp cận đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động sống hàng ngày.
Ảnh minh họa: Công trình xanh đem lại nhiều lợi ích
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho công trình xanh
Bài viết Retrofitting Existing Buildings To Improve Sustainability and Energy Performance của wbdg.com [3] đã gợi ý một số giải pháp nâng cấp hạ tầng công trình nhằm giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường sống thoải mái và lành mạnh hơn, và tăng độ bền của tòa nhà. Một số gợi ý được nêu ra là:
- Kiểm tra hệ thống năng lượng và hệ thống nước để xác định hiệu suất sử dụng, sau đó đưa ra những nâng cấp phù hợp.
- Tối ưu hóa việc tái chế và tái sử dụng các chất thải xây dựng để hạn chế việc chôn lấp rác.
- Kết hợp hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng vào công trình và lắp đặt các cảm biến ánh sáng ở những vị trí phù hợp với hoạt động và chức năng của không gian.
- Sử dụng thông gió tự nhiên để giảm tải hệ thống điều hòa không khí.
- Đầu tư vào năng lượng tái tạo để thay thế việc sử dụng các loại năng lượng hóa thạch
- Cân nhắc các thiết bị che nắng cho cửa sổ và cửa ra vào có khả năng tạo ra điện bằng các thiết bị quang điện
- Thay thế các cửa sổ hiện có với cửa sổ có hiệu suất cao. Nếu công trình nằm trong khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn, nên lắp đặt những loại cửa sổ có khả năng chống tiếng ồn tốt
- Phương pháp trồng cây trên mái giúp có thể giúp hạn chế mức năng lượng tiêu thụ của công trình đồng thời giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
- Đối với các công trình đã được sử dụng trong một thời gian dài cần xem xét sự cần thiết của việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước cùng đặc điểm kết cấu ban đầu của tòa nhà.
- Lắp đặt đồng hồ đo điện, nước, và ở các tiện ích khác để theo dõi mức độ sử dụng theo thời gian, kiểm soát nhu cầu và chi phí sử dụng, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng.
Ảnh minh họa: Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng cho công trình xanh
Các hệ thống và chương trình đánh giá công trình xanh
Để hỗ trợ cho việc nâng cấp công trình theo hướng phát triển xanh, các hệ thống đánh giá đang được sử dụng phổ biến đều cung cấp những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các chủ công trình. Bắt đầu từ năm 2007, Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kì đã phát triển LEED Green Building Rating Systems for Existing Buildings: Operation and Maintenance (LEEDEBOM / LEED-EB) với những tiêu chuẩn xanh với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả năng lượng của tòa nhà, giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới môi trường và nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của cư dân. LEED-EB cung cấp cho các chủ sở hữu công trình một hệ thống các tiêu chuẩn để đối chiếu để thiết kế những phương án cải tiến và kế hoạch bảo trì phù hợp đối với công trình trong suốt quá trình hoạt động [4].
Ngoài ra thì các công cụ đánh giá khác được sử dụng rộng rãi trên thế giới như GreenGlobes, Energy Star hay LOTUS – hệ thống đánh giá được thiết kế cho thị trường Việt Nam, đều có tham khảo để đưa ra những định hướng phù hợp cho công trình, kể cả khi không hướng tới việc được cấp chứng nhận công trình xanh.
Bên cạnh đó, một số những chương trình được thành lập để khuyến khích việc nâng cao chất lượng hoạt động của công trình. Một trong số đó là Ebis, một cuộc thi hằng năm ở Mỹ nhằm công nhận những cải tiến trong hiệu suất công trình giữa các đơn vị quản lý, chủ tòa nhà, kỹ sư và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan. Trọng tâm của chương trình bao gồm các vấn đề về năng lượng, nước, vận hành, vật liệu xây dựng, và sự gắn bó của người thuê [1]. Hoặc là hàng năm, giải thưởng AIA Committee on the Environment (COTE) Top Ten awards công nhận 10 dự án mỗi năm có thiết kế sáng tạo và bền vững giúp đạt giúp đạt hiệu quả sử dụng cao [7].
Ngoài ra, để cho khái niệm công trình xanh được biết đến và ứng dụng rộng rãi hơn trong các công trình hiện hữu, những chương trình khuyến khích của chính phủ đối với các chủ sở hữu tòa nhà là cần thiết để khuyến khích những thành tựu trong việc cải tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo kết quả của một nghiên cứu, những khoản trợ cấp của chính phủ cho việc bảo trì và phát triển theo hướng công trình xanh cho những tòa nhà có thời gian sử dụng từ 40 năm trở lên là hoàn toàn hợp lý để thúc đẩy sự phát triển của xu hướng này [4].
Với sự phát triển của các công nghệ mới và các loại vật liệu xanh, việc nâng cấp trên công trình đang được sử dụng vẫn là một sự lựa chọn bền vững hơn so với việc phá dỡ và xây dựng mới toàn hoàn để có thể tạo nên một công trình xanh [3]. Trong khi những chủ công trình đang bối rối với rất nhiều phương diện và cách thức để cải thiện hiệu quả hoạt động của công trình, những hệ thống đánh giá như LEED, LOTUS với những tiêu chuẩn rõ ràng có thể giúp ích trong việc định hướng và đánh giá chất lượng. Việc xây dựng theo xu hướng công trình xanh không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế qua sử dụng năng lượng hiệu quả, mà còn cải thiện không gian sống, nâng cao mối quan tâm và ý thức trách nhiệm của con người về lối sống xanh hiện nay.
THAM KHẢO
- Paula Melton. Six ways existing buildings can save planet. 2016. Available from: https://www.buildinggreen.com/feature-shorts/six-ways-existing-buildings-can-save-planet
- Karen Kroll. 4 ways to go to green in existing buildings. 2017. Available from: https://www.facilitiesnet.com/green/article/4-Ways-To-Go-Green-In-Existing-Buildings–17305
- Richard Paradis. Retrofitting existing buildings to improve sustainability and energy performance. 2016. Available from: https://www.wbdg.org/resources/retrofitting-existing-buildings-improve-sustainability-and-energy-performance
- Leung BC. Greening existing buildings [GEB] strategies. Energy Reports. 2018 Nov 1;4:159-206.
- Chiếu sáng tự nhiên: Lợi ích năng lượng và sức khỏe. http://vgbc.vn/chieu-sang-tu-nhien-loi-ich-nang-luong-va-suc-khoe/
- [Internet] http://www.ebies.org/
- [Internet] https://www.aia.org/awards/7301-aia-cote-top-ten-award