Dự án Điện gió Sông Hồng – Thắp sáng xóm chài nghèo

Xóm chài ven sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) gồm 28 hộ gia đình đều có đời sống rất khó khăn, chủ yếu buôn bán đồ gốm sứ hay thu mua ve chai. Các gia đình sống tạm bợ trong những căn nhà mái lá và thuyền sắt cũ. Do ở xa khu dân cư nên giá điện lưới khá đắt (4.000-5.000 đồng/kWh), ngoài ra còn phải trả thêm tiền hao phí đường dây hàng tháng. Như vậy, dù sử dụng các thiết bị một cách tiết kiệm, ước tính hóa đơn tiền điện mỗi hộ cũng từ 200.000 – 300.000 đồng/tháng.

Dự án đã được triển khai thí điểm tại xóm vạn chài, bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Công ty kiến trúc nội thất xanh 1516

Dự án “Điện gió sông Hồng” được KTS Lê Vũ Cường thực hiện nhằm mang lại nguồn điện giá rẻ cho các hộ gia đình xóm chài không đủ khả năng kinh tế sử dụng điện lưới. Đây là một dự án hoàn toàn phi lợi nhuận, được hỗ trợ tài chính bởi Trung tâm Live&Learn Việt Nam, Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia.

Theo khảo sát của đội dự án, khu vực bãi giữa sông Hồng có tốc độ gió trung bình khoảng 3m/s, phù hợp để triển khai các mô hình điện gió quy mô nhỏ.

Tháng 5/2016, dự án đã lắp đặt miễn phí 10 mô hình điện gió đầu tiên cho 10 hộ nghèo trong khu vực này.

Tuabin điện gió làm từ chậu nhựa

Mô hình điện gió đặc biệt của KTS Lê Vũ Cường được thiết kế từ những vật liệu tái sử dụng, đã được thử nghiệm nhiều lần nhằm đảm bảo hiệu năng vận hành. Một tuabin gió có bốn phần chính: cánh (làm từ chậu nhựa), trục quay (bằng nhôm không gỉ), môtơ (từ máy in hỏng) và bảng dự trữ năng lượng. “Do quanh đây toàn các hộ dân nghèo sinh sống nên bọn mình ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu rẻ, dễ mua, dễ thay thế và sửa chữa“, anh Cường cho biết.

Anh Lê Vũ Cường đang làm điện gió cho bà con. Ảnh: NVCC

Mô hình điện gió có công suất 20W/h. Mỗi tuabin gió sản xuất điện đủ để thắp sáng trong khoảng 3-4 giờ/ngày phụ thuộc vào tốc độ gió. Tuabin vận hành nhờ hoàn toàn vào sức gió tự nhiên. Khi có gió, cánh chong chóng sẽ quay làm trục mô tơ quay tạo ra điện năng. Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và được sử dụng vào mục đích chiếu sáng trong các hộ gia đình.

Đội dự án đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết kế, sử dụng các vật liệu có độ bền và hiệu quả cao hơn. Hiện tại giá thành mỗi tuabin gió đang ở mức 1 triệu đồng. Đội dự án đang kêu gọi đầu tư để nhân rộng mô hình giảm giá thành sản xuất nhằm đưa hệ thống đến với nhiều người dân hơn.

Mô hình cần được nhân rộng

Việt Nam có nhiều vùng có tiềm năng về năng lượng gió, tuy nhiên ít được khai thác do chi phí đắt đỏ và quy trình thi công phức tạp. Anh Cường mong muốn mang mô hình này đến với những người dân có hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở miền Bắc, mà còn ở các vùng có tiềm năng lớn hoặc trung bình về gió nhưng chưa có điều kiện sử dụng điện lưới khác như các vùng ven biển, miền núi, hải đảo… Mục tiêu tiếp theo của dự án là lắp đặt 15 hệ thống điện gió cho khu vực nông thôn nghèo tại Đồng Châu, tỉnh Thái Bình và làng trẻ em SOS Hà Nội.

Anh Cường chia sẻ, điều quan trọng nhất mà dự án hướng tới chính là khuyến khích người dân tự thực hiện mô hình điện gió, tận dụng năng lượng tái tạo trong đời sống hàng ngày không chỉ giúp giảm tiêu thụ điện năng, tiết kiệm nguyên vật liệu mà còn nhằm phát triển mô hình hoạt động trên phạm vi rộng góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô lớn hơn.

—-

TÀI TRỢ CHO DỰ ÁN

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: 

Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam.

E: [email protected] | T: (+84) 436 291 107 

Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng cho dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng hết sức ý nghĩa này.

Sự kiện sắp tới

Những sự kiện sắp tới được tổ chức bởi VGBC và các đối tác.

Xem thêm