Sau lần 1 được tổ chức thành công tại TP.HCM, Hội thảo “Xóa bỏ ngộ nhận về chi phí của công trình xanh” lần thứ 2 tiếp tục diễn ra tại Hà Nội vào ngày 16/5/2014 nhờ sự ủng hộ và tài trợ của Công ty Turner và Công ty CP Quản lý và Khai Thác tòa nhà PMC. Hội thảo lần này đã một lần nữa cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng về công trình xanh của giới kiến trúc, xây dựng, đầu tư và phát triển trong ngành xây dựng ở Hà Nội, một thị trường từng được coi là khá ảm đạm về công trình xanh so với các khu vực khác trong nước như ở TP. HCM và các khu vực lân cận. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng để chính phủ và các bên liên quan trong ngành có thể nhận thấy nhu cầu và mức độ quan tâm hơn đến công trình xanh đang được nhận rộng trên cả nước.
Qua buổi hội thảo, các diễn giả đến từ Turner, Green Consult-Asia, Langdon & Seah và PMC đã đưa ra số liệu thu thập trên các dự án thực tế triển khai và áp dụng các giải pháp xanh thông qua các công cụ đánh giá công trình xanh đã được công nhận trên thế giới như LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, LEED của Hội đồng Công trình xanh Mỹ và Green Mark của Singapore. Trái ngược với quan điểm của nhiều người khi thấy chi phí đầu tư cho công trình xanh cao hơn các công trình thông thường và từ đó trở nên dè dặt khi quyết định đầu tư, thực tế cho thấy khoản chi phí phụ trội đầu tư cho công trình xanh từ 0,5-2,2% là không đáng kể so với lợi ích thường xuyên và lâu dài hiện hữu trong quá trình sử dụng công trình xanh.
Buổi hội thảo còn là dịp chia sẻ kinh nghiệm của Ông Paul Winfindale và Ông Đinh Công Phúc, 2 đại diện đến từ Turner, tập đoàn được xếp hạng là nhà thầu công trình xanh số 1 tại Mỹ theo tạp chí ENR với kinh nghiệm quản lý các dự án xanh như Yale University Health Services Center, Silicon Valley Data Center, Microsoft Technology Center, World Trade Center Tower 2 v.v… và gần đây nhất là dự án VietinBank tại Việt Nam đăng ký theo chứng chỉ LOTUS Bạc ngay khi chứng chỉ LOTUS chính thức ra mắt tại Việt Nam. Qua các dự án áp dụng theo công cụ đánh giá công trình xanh, Turner đã đưa ra con số tiết kiệm năng lượng từ 14-60% bên cạnh những lợi ích khác từ các dự án công trình xanh như hình dưới đây.
Để có thể đưa ra những số liệu cụ thể, rõ ràng và hoàn toàn thuyết phục về toàn bộ các khoản chi phí trong cả quá trình thiết kế và xây dựng nên một công trình xanh, bà Melissa Merryweather, đại diện từ Công ty Green Consult-Asia với kinh nghiệm tư vấn cho các dự án đăng ký theo chứng chỉ LOTUS, LEED và Green Mark như dự án Nhà máy và văn phòng Mộc bài Việt Nam (đạt chứng chỉ LOTUS mức Được chứng nhận),và nhà trẻ Pouchen (đạt chứng chỉ LOTUS Bạc), đã trình bày các dữ liệu về 2 dự án của LOTUS, trong đó với riêng Nhà trẻ Pouchen con số phụ trội vào tổng chi phí xây dựng là 1,8-2% và kết quả thu được là $118.000 (mức tiết kiệm năng lượng hàng năm) và $46.474 (mức tiết kiệm nước hàng năm) và mất 2,5 năm để hoàn vốn. Các con số này cũng sẽ thay đổi tùy vào quy mô dự án và các giải pháp xanh được thực hiện nhưng nhìn chung có thể dễ dàng nhận thấy đầu tư vào công trình xanh hoàn toàn không tốn kém như nhiều người vẫn nghĩ.
Ông Mark Olive đến từ công ty Langdon & Seah Việt Nam, cùng tham gia vào quá trình kiểm định giá nhiều dự án xây dựng xanh trong đó có dự án Tòa tháp Vietin Bank và dự án Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc đã đưa ra một luận điểm khá thuyết phục khi nói đến vấn đề chi phí- lợi ích. Khi phân tích đến lý thuyết tảng băng, ông phân tích ngoài mặt nổi mọi người vẫn nhìn thấy về chi phí vốn đầu tư như chi phí đất xây dựng, mua sắm các trang thiết bị, chi phí thi công xây dựng công trình còn những mảng băng chìm chính là những khoản chi phí chủ doanh nghiệp cần phải bỏ ra và phải nói rằng đây là khoản chi phí không hề nhỏ như chi phí bảo dưỡng, khấu hao của thiết bị cũng như các chi phí về nhân sự trong quá trình hoạt động. Đối với một công trình xanh, dù khoản đầu tư cho khía cạnh nổi có thể khá cao nhưng các chi phí cho mặt chìm ít ai có thể định lượng ngay từ ban đầu lại được cắt giảm rất nhiều. Từ đó, chi phí đầu tư cho công trình xanh càng giảm đi theo thời gian mà chất lượng vẫn được đảm bảo. Điều này có thể coi là trái ngược đối với công trình thông thường, khi chi phí đầu tư ban đầu nhỏ nhưng chi phí bảo dưỡng thiết bị và cho nhân sự, chi phí tiêu thụ điện nước tăng cao mà lại phần nào lại tỷ lệ nghịch với chất lượng nhận được.
Bên cạnh đó, ông Đào Tiến Phương, đại diện từ PMC, Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC với kinh nghiệm quản lý nhiều bất động sản và dự án công trình trên thị trường Việt Nam cũng chia sẻ các hoạt động thực tiễn công ty đã áp dụng vào các hệ thống, thiết bị điều hòa không khí, thông gió, chiếu sáng, hệ thông cung cấp điện cũng như có lịch trình, kế hoạch quản lý điều hành toàn bộ hệ thống để đảm bảo thực hiện kiểm soát tiêu thụ năng lượng hiệu quả, kiểm soát các tác động đến môi trường, v.v… và những hiệu quả đem lại rõ ràng khi các công trình của PMC đã được công nhận tại các cuộc thi trong nước và khu vực.
Qua đây, có thể nói không phải ngẫu nhiên mà các tổng công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và một số ít các công ty, tập đoàn trong nước ta hiện nay lại lựa chọn các giải pháp xanh cho các dự án, công trình họ xây dựng hay đầu tư phát triển. Chính những phân tích, đánh giá kỹ càng với tầm nhìn hướng đi xa hơn cho các dự án xây dựng đã đưa các chuyên gia trong ngành tụ hội tại đầu một con đường, một điểm chung cho lộ trình phát triển lâu dài của chính họ. Một khi số lượng các công trình xanh không ngừng tăng lên liên tục như hiện nay, Việt Nam càng cần phải mở rộng hơn trong cách nghĩ và trong hành động để tìm ra một biện pháp thoát khỏi hình ảnh một nước “đang phát triển” để trở thành một quốc gia “phát triển” trong ngành xây dựng theo đúng xu hướng chung của “phát triển bền vững”.