LOTUS và Hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam

 

LOTUS là hệ thống chứng nhận công trình xanh được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thành viên Hội đồng Công trình xanh Thế giới (WorldGBC). Trải qua hơn 8 năm phát triển, Chứng nhận LOTUS hiện nay bao gồm 7 hệ thống đánh giá, áp dụng cho hầu hết các loại dự án xây dựng như công trình phi nhà ở, nhà chung cư, công trình đang vận hành, nhà ở riêng lẻ, công trình quy mô nhỏ và không gian nội thất. LOTUS đóng vai trò là tiêu chuẩn định hướng và công cụ thiết lập mục tiêu nhằm xây dựng công trình thân thiện với môi trường và sức khoẻ của người sử dụng với chi phí vận hành thấp hơn.

So với các hệ thống chứng nhận công trình xanh phổ biến trên thế giới như LEED, Green Mark, Green Star, v.v. LOTUS có một số điểm tương đồng như hệ thống tính điểm, các điều kiện tiên quyết (ĐKTQ) và những tiêu chí, yêu cầu tại các khoản mục.

Tuy nhiên, LOTUS có rất nhiều điểm khác biệt quan trọng để trở thành hệ thống chứng nhận công trình xanh phù hợp nhất với môi trường xây dựng của Việt Nam. Khác biệt nổi bật nhất chính là sự tham khảo và viện dẫn những quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức của Việt Nam trong LOTUS.

Hệ thống LOTUS được hình thành từ những yếu tố cơ bản như sau.                   

ĐKTQ – Khoản – Điểm số

Điều kiện tiên quyết là những yêu cầu bắt buộc đối với dự án đăng ký Chứng nhận LOTUS, nhằm đảm bảo công trình đáp ứng định mức tổi thiểu của Việt Nam về hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, chất lượng môi trường trong nhà và khả năng hạn chế tác động môi trường. Dự án không được cho điểm chứng nhận khi thực hiện các yêu cầu này.

Những tiêu chí tương đồng về hiệu năng của dự án được tập hợp thành các Khoản (credit). Dự án LOTUS sẽ lựa chọn và thực hiện một số khoản nhất định và tích luỹ điểm cho chứng nhận.

Điểm số

Dự án đạt được điểm số càng cao, những lợi ích LOTUS mang lại càng lớn. Điểm số cao hơn đồng nghĩa với công trình có hiệu năng cao hơn, chi phí vận hành thấp hơn (tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, giảm yêu cầu bảo trì – duy tu, v.v.) và tiện nghi hơn cho người sử dụng.

Dự án sẽ được cấp Chứng nhận LOTUS theo các mức khác nhau dựa trên điểm số đạt được. Mức chứng nhận thấp nhất được ấn định tại 40% tổng số điểm (Chứng nhận LOTUS). Các mức chứng nhận cao hơn tương ứng với 55% (LOTUS Bạc), 65% (LOTUS Vàng) và 75% (LOTUS Bạch kim) tổng số điểm.

Mô hình cơ sở và định mức hiệu năng

LOTUS sử dụng mô hình cơ sở (baseline model) và các định mức (benchmark) để so sánh hiệu năng của dự án công trình xanh với các công trình thông thường tại Việt Nam.

Định mức là một giá trị tham khảo (mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, v.v.) được thiết lập dựa trên thông tin về các công trình cùng loại, kết quả khảo sát toàn quốc, lịch sử hiệu năng vận hành của công trình hoặc mục tiêu dự án hướng tới. Ví dụ, mức cơ sở cho nhu cầu sử dụng nước tưới sân vườn là 1.1 m3/m2 sân vườn/năm.

Mô hình cơ sở là mô hình mang các đặc điểm thiết kế của dự án (như GFA, số người sử dụng, tổng số sàn, hình dạng công trình, điều kiện khí hậu địa phương, số ngày vận hành, v.v.) nhưng sử dụng vật liệu và thiết bị truyền thống thay vì các giải pháp xanh mà dự án áp dụng. Mô hình cơ sở sẽ được so sánh với mô hình thiết kế của dự án, từ đó xác định tỷ lệ cải thiện hiệu năng khi áp dụng các giải pháp xanh.

LOTUS và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam

LOTUS NR viện dẫn 22 quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam và 6 tiêu chuẩn quốc tế áp dụng trong lĩnh vực xây dựng công trình xanh. Trong đó, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng tại Việt Nam. VGBC nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đảm bảo các dự án LOTUS tuân thủ chặt chẽ quy định của Nhà nước, đồng thời nâng cao nhận thức về các quy chuẩn hiện hành. Theo đó, LOTUS hướng tới tích hợp tối đa yêu cầu tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam khi thiết lập cơ sở đánh giá chứng nhận.

LOTUS áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam trong các khía cạnh như:

  • thiết lập yêu cầu tại các ĐKTQ (ví dụ: về xử lý nước thải, dự án LOTUS cần đáp ứng yêu cầu của QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt hoặc QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế)
  • xây dựng phương pháp tính toán mức độ cải thiện hiệu năng của dự án LOTUS (ví dụ: về vỏ công trình, dự án sẽ được cộng 1 điểm cho mỗi 10% OTTV trung bình của công trình giảm được so với mức yêu cầu của QCVN 09:2013/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả)
  • xác định yêu cầu tại các khoản của LOTUS (ví dụ: chất lượng nước tái chế, tái sử dụng hoặc nước mưa cần đáp ứng yêu cầu tối thiểu của QCVN 39:2011/BTNMT – Quy chuẩn Kỹ thuật về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu hoặc QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt)

Trong trường hợp tại Việt Nam đã có sẵn những tiêu chuẩn phù hợp, LOTUS sẽ viện dẫn hoặc tích hợp các tiêu chuẩn đó trong nội dung yêu cầu tại các khoản mục. Trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam tham khảo rất nhiều từ các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, VGBC dành sự ưu tiên cao hơn cho việc thực hiện và nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn trong nước. Việc tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế (như ASHRAE 62.1, ASHRAE 55, NSF/ANSI Standard 350, v.v.) có tác dụng bổ sung và hoàn thiện cho các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.