Chọn trang

Thành viên Đội Dự án Công trình xanh có những ai?

 

I – CÁC GIAI ĐOẠN

Nhằm quản lý hiệu quả một dự án LOTUS, tất cả các hoạt động liên quan đến chứng nhận LOTUS cần được kết hợp chặt chẽ với các giai đoạn khác nhau của quy trình thiết kế. Theo đó, cơ bản có thể xác định được 3 giai đoạn chính trong quá trình quản lý một dự án LOTUS:

  • Giai đoạn 1: Xác định phạm vi và Thiết lập mục tiêu
  • Giai đoạn 2: Tích hợp các giải pháp bền vững trong giai đoạn thiết kế
  • Giai đoạn 3: Triển khai các giải pháp bền vững trong giai đoạn thi công

 Giai đoạn 1: Xác định phạm vi và Thiết lập mục tiêu

Giai đoạn đầu tiên của quy trình quản lý dự án LOTUS là xác định phạm vi và thiết lập mục tiêu, bao gồm các hoạt động thu thập thông tin, đánh giá sơ bộ, thiết lập mục tiêu LOTUS và xây dựng lộ trình đạt chứng nhận LOTUS. Những hoạt động này có liên quan tới giai đoạn tiền thiết kế cơ sở và giai đoạn đăng ký với VGBC. Dự án nên hoàn thành các hoạt động này trong giai đoạn tiền thiết kế cơ sở. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà quyết định thực hiện chứng nhận LOTUS được đưa ra ở một thời điểm muộn hơn thì dự án cần hoàn thành các hoạt động này càng sớm càng tốt để tiết kiệm thời gian.

Giai đoạn 2: Tích hợp các giải pháp bền vững trong giai đoạn thiết kế

Mục tiêu của giai đoạn này là tích hợp các nguyên tắc, giải pháp và sản phẩm xây dựng bền vững vào thiết kế dự án, sử dụng các hạng mục và tiêu chí của LOTUS làm khung định hướng. Các hoạt động này được thực hiện bám sát các bước sẵn có của quy trình thiết kế, lần lượt đi qua thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và lập hồ sơ thi công. Khi lần lượt đi qua các bước của giai đoạn này, dự án cần liên tục cải tiến thiết kế nhằm đảm bảo công trình được tối ưu hóa và vẫn trên lộ trình đạt được mục tiêu chứng nhận đặt ra từ đầu (có thể thể hiện qua Chứng nhận tạm thời được cấp cho giai đoạn thiết kế).

Giai đoạn 3: Triển khai các giải pháp bền vững trong giai đoạn thi công

Giai đoạn này cần đặc biệt chú ý tới các tiêu chí liên quan đến các hoạt động thi công của nhà thầu, như quản lý rác thải, khói bụi, tiếng ồn, điều kiện làm việc của công nhân xây dựng, v.v

II – QUY TRÌNH THIẾT KẾ

Quy trình thiết kế truyền thống

Trong một dự án xây dựng thông thường, các thành viên đội dự án chỉ tham gia khi cần thiết và ít khi có sự tương tác hay thảo luận về các giải pháp. Việc trao đổi thông tin thường chỉ diễn ra theo một chiều, từ kiến trúc sư đến kỹ sư và cuối cùng là nhà thầu. Thường có sự phân cấp bậc trong quá trình trao đổi và không phải thành viên nào cũng được tham gia đóng góp ý kiến từ đầu dự án. Kết quả là dự án thường không khai thác được sự kết hợp của các hệ thống công trình và do đó hiệu năng vận hành không được tối ưu. Việc không tối ưu được các hệ thống công trình thường làm phát sinh những điều chỉnh gây tốn kém cũng như làm tăng chi phí vận hành công trình.

Quy trình thiết kế tích hợp

Quy trình thiết kế tích hợp khuyến khích sự tham gia của tất cả thành viên đội dự án ngay từ khi bắt đầu dự án, tạo cơ hội trao đổi và xác định hướng triển khai các giải pháp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, thiết kế tích hợp còn giúp tạo nên sự tương tác trong quy trình thiết kế, gắn kết các thành viên đội dự án với trách nhiệm chung. Mặc dù việc cho phép quá nhiều người tham gia có thể gây tác động tiêu cực, tuy nhiên dự án có thể tránh được xung đột bằng cách phân chia rõ ràng vai trò của các thành viên và đảm bảo các thông điệp được truyền đạt hiệu quả. Mỗi dự án LOTUS yêu cầu sự tích hợp các giải pháp xanh vào thiết kế ngay từ khi bắt đầu dự án, do đó cần có được thông tin đầu vào từ phía rất nhiều thành viên nhằm đưa ra giải pháp tối ưu cho hiệu năng vận hành của công trình đồng thời tiết kiệm chi phí.

III – ĐỘI DỰ ÁN

Để giảm thiểu xung đột và khuyến khích hợp tác, cần xác định rõ vai trò, phân định rõ trách nhiệm của từng bên tham gia dự án, đặc biệt là đối với các hạng mục, tiêu chí xanh đang hướng tới. Việc vạch rõ ranh giới trách nhiệm của từng thành viên là rất khó, đồng thời sẽ làm mất đi mục đích ban đầu của giải pháp thiết kế tích hợp. Tuy nhiên, điều này là cần thiết để tránh bỏ sót công việc và ảnh hưởng lên tiến độ hay ngân sách của dự án. Mỗi thành viên cần ý thức được trách nhiệm của mình, đồng thời phối hợp với người khác để đưa ra những giải pháp tối ưu.

1 – Quản lý dự án LOTUS

Dự án cần chỉ định một thành viên làm quản lý dự án LOTUS (LOTUS PM) giữ vai trò định hướng, dẫn dắt và quản lý đến khi dự án đạt được chứng nhận. LOTUS PM có thể được chọn từ một thành viên đội thiết kế hoặc chuyên gia tư vấn LOTUS của dự án. Mục đích của việc này là chọn ra một người am hiểu về Hệ thống Chứng nhận LOTUS để phụ trách dự án, tạo động lực cho các thành viên và chủ động quản lý các quy trình. Nhiệm vụ chính của LOTUS PM có thể bao gồm:

  • Nghiên cứu và xác định các giải pháp xanh tiềm năng có thể áp dụng cho dự án.
  • Định hướng và chỉ dẫn cho đội thiết kế trong việc lựa chọn các vật liệu xanh và các tiêu chuẩn lựa chọn tương ứng.
  • Trợ giúp đội thiết kế trong việc đưa ra thông số kĩ thuật đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh cùng các tài liệu liên quan như hồ sơ mời thầu, v.v.
  • Tổ chức các cuộc họp và hội thảo đóng góp ý tưởng thiết kế khi bắt đầu và trong suốt quá trình thiết kế nhằm đảm bảo thực hiện được đầy đủ các mục tiêu chứng nhận LOTUS.
  • Tổ chức tập huấn chuyên môn cho nhà thầu chính và nhà thầu phụ về trách nhiệm của nhà thầu theo tiêu chuẩn chứng nhận LOTUS.
  • Thực hiện đánh giá định kì đối với các bản thiết kế và thông số kĩ thuật nhằm đảm bảo dự án đang đi đúng định hướng đã đặt ra.
  • Đảm bảo sự tương tác và trao đổi giữa các thành viên đội dự án; phân bổ trách nhiệm và gắn kết hoạt động của các thành viên.
  • Đảm bảo tiến độ và ngân sách của dự án.
  • Quản lý toàn bộ quy trình liên quan đến LOTUS, bao gồm đánh giá, điều phối, tổng hợp và trình nộp hồ sơ cho VGBC.

2 – Chủ dự án

Trong một dự án LOTUS, chủ dự án đóng vai trò quan trọng và cần chủ động tham gia vào quá trình thiết kế. Nhìn chung, trách nhiệm của chủ dự án có thể bao gồm:

  • Thuê một nhóm chuyên gia tâm huyết và dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt là có kinh nghiệm với các dự án LOTUS.
  • Trình bày tầm nhìn của dự án và các mục tiêu chứng nhận LOTUS.
  • Phối hợp với đội thiết kế trong quá trình ra quyết định và đưa ra phương hướng rõ ràng cho đội dự án trong quá trình cân nhắc các giải pháp đáp ứng yêu cầu tại các tiêu chí của LOTUS.
  • Ra quyết định thể hiện tầm nhìn đối với toàn bộ vòng đời của công trình
  • Phối hợp với Ban quản lý tòa nhà để ban hành và thực hiện các chính sách, chương trình trong vận hành công trình phù hợp với các tiêu chí LOTUS.
  • Ra quyết định về các hoạt động giám sát – đánh giá hiệu năng vận hành công trình.
  • Định hướng về thiết kế công trình, tiến độ thi công và nguồn ngân sách.

3 – Kiến trúc sư

Vai trò chủ đạo của kiến trúc sư trong một dự án LOTUS là thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với điều kiện khí hậu của khu vực, có lớp vỏ hiệu quả, đồng thời sử dụng được các loại vật liệu bền vững để tạo nên một công trình xanh đúng nghĩa. Kiến trúc sư cần phối hợp với các thành viên khác để đưa ra quyết định có lợi với cái nhìn toàn diện về công trình. Trách nhiệm chung của kiến trúc sư có thể bao gồm:

  • Phối hợp với LOTUS PM lên kế hoạch cho các cuộc họp đóng góp ý tưởng thiết kế hoặc hội thảo thiết lập mục tiêu ngay từ đầu quy trình thiết kế.
  • Đảm bảo tất cả các đặc tính xanh nhằm đáp ứng yêu cầu tại các khoản mục của LOTUS được kết hợp trong bản vẽ và các thông số kỹ thuật.
  • Phối hợp với các chuyên gia tư vấn, đặc biệt là chuyên gia mô phỏng năng lượng nhằm tối ưu hướng và lớp vỏ công trình.
  • Xác định chi tiết các vật liệu và sản phẩm xanh đáp ứng yêu cầu tại các khoản của LOTUS. Tham vấn chuyên gia LOTUS trong quá trình chuẩn bị các thông số kỹ thuật.
  • Thực hiện hoặc tham gia đánh giá hiệu năng công trình sau khi đưa vào sử dụng.

4 – Kỹ sư xây dựng dân dụng

Liên quan đến LOTUS, kỹ sư xây dựng có vai trò thiết kế hệ thống nước mưa và cảnh quan cứng của khu đất xây dựng với mục tiêu tối đa hóa diện tích thấm nước, kiểm soát chất lượng và khối lượng nước mưa chảy tràn thoát ra khỏi khu đất. Trách nhiệm chung của kỹ sư xây dựng có thể bao gồm:

  • Tạo điều kiện bảo tồn, tái sử dụng và xử lý nước ngay tại khu đất xây dựng.
  • Kết hợp các giải pháp hiệu quả nhất trong việc kiểm soát chất và lượng nước mưa chảy tràn.
  • Thực hiện các tính toán về nước mưa theo yêu cầu tại các khoản của LOTUS.
  • Phối hợp với đơn vị thiết kế cảnh quan trong việc thiết kế các bề mặt vật liệu cứng, khu vực chứa nước mưa, mương lọc sinh học… khi cần thiết.

5 – Kỹ sư kết cấu

Kỹ sư kết cấu giữ vai trò đưa ra những phương án phù hợp với hệ thống kết cấu, giảm lượng vật liệu cần sử dụng, lựa chọn các vật liệu xanh và cung cấp các thông tin về độ bền của vật liệu. Nhiệm vụ chính của kiến trúc sư kết cấu có thể bao gồm:

  • Đánh giá ảnh hưởng của các giải pháp kết cấu tới hình dáng và cấu trúc tổng thể của dự án; các giải pháp đó có thể có ảnh hưởng gián tiếp tới hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình.
  • Cung cấp thông tin cho kiến trúc sư về độ bền của vật liệu đã chọn và ảnh hưởng của chúng trong suốt vòng đời công trình.
  • Đưa ra giải pháp kết cấu tân tiến, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên.
  • Đánh giá ảnh hưởng của các giải pháp kết cấu khác nhau trên phương diện tiềm năng chiếu sáng tự nhiên và lựa chọn vật liệu.
  • Đảm bảo các yêu cầu về độ bền và đặc tính xanh được kết hợp trong bản vẽ và các thông số kỹ thuật

 6 – Kỹ sư Hệ thống cơ, điện và nước (MEP)

Đội kỹ sư MEP đóng vai trò rất quan trọng do họ là người đưa ra các giải pháp liên quan tới ba khía cạnh chính của một công trình theo tiêu chuẩn LOTUS: nước, năng lượng và chất lượng không khí. Tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, một kỹ sư cơ điện cũng có thể thực hiện mô phỏng năng lượng nhằm tối ưu hóa hiệu năng công trình. Nhiệm vụ chung của đội kỹ sư MEP có thể bao gồm:

  • Phối hợp với chuyên gia mô phỏng năng lượng trong việc thiết kế hệ thống HVAC và chiếu sáng tối ưu, phù hợp với yêu cầu về hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình.
  • Phối hợp với kiến trúc sư nhằm tận dụng các điều kiện khí hậu của khu đất, hướng và khối của công trình để thiết kế hệ thống cơ điện có công suất phù hợp, tránh lãng phí.
  • Cung cấp thông tin cần thiết để đánh giá các phương án lựa chọn hệ thống dựa trên mức ảnh hưởng và năng lượng tiêu thụ trong suốt vòng đời công trình.
  • Phối hợp với chuyên gia tư vấn về chiếu sáng trong việc thiết kế hệ thống chiếu sáng phù hợp và lựa chọn các thông số kỹ thuật.
  • Phối hợp với đơn vị nghiệm thu (CxA) và nhà thầu trong việc tiến hành quy trình nghiệm thu – vận hành – chạy thử.
  • Tham gia thực hiện các nghiên cứu đo lường và đánh giá, hiệu năng vận hành công trình sau khi đưa vào sử dụng.
  • Thiết kế hệ thống nước và lựa chọn các thiết bị sử dụng nước với mục tiêu giảm mức tiêu thụ nước của công trình.

 7 – KTS Thiết kế cảnh quan

KTS thiết kế cảnh quan có nhiệm vụ tìm kiếm các giải pháp tại khu đất xây dựng giúp bảo tồn hoặc phục hồi môi trường sống, khuyến khích các loại cây trồng bản địa và giảm mức tiêu thụ nước sạch phục vụ nhu cầu tưới tiêu. KTS cảnh quan cũng cần hợp tác với kỹ sư xây dựng trong việc áp dụng các giải pháp quản lý nước mưa chảy tràn. Nhiệm vụ chính của KTS cảnh quan có thể bao gồm:

  • Kết hợp các loại cây trồng bản địa hoặc cây thích nghi với khí hậu cùng hệ thống tưới sử dụng nước hiệu quả vào thiết kế cảnh quan.
  • Phối hợp với kĩ sư xây dựng và kiến trúc sư nhằm tận dụng tối đa diện tích không gian mở có lớp phủ thực vật trong phạm vi dự án.
  • Tham vấn ý kiến của kiến trúc sư và chủ dự án khi xem xét kết hợp lớp phủ thực vật trên mái công trình.
  • Thực hiện tính toán lượng nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu, kết hợp trong bản vẽ và thông số kỹ thuật giải pháp đáp ứng các yêu cầu của LOTUS.
  • Nghiên cứu tiềm năng áp dụng các giải pháp thu hồi nước mưa nhằm bổ sung nguồn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu.
  • Phối hợp với chuyên gia tư vấn về chiếu sáng và kỹ sư điện trong việc thiết kế hệ thống chiếu sáng cảnh quan.

8 – Quản lý tòa nhà

Nếu điều kiện cho phép, đại diện của đơn vị quản lý tòa nhà nên được mời tham gia dự án LOTUS ngay từ khi lên ý tưởng cho công trình. Quyết định đưa ra trong quá trình thiết kế sẽ có ảnh hưởng tới quá trình vận hành và quản lý tòa nhà sau này. Vai trò chính của đơn vị quản lý công trình có thể bao gồm:

  • Cung cấp thông tin cho đội thiết kế về các khía cạnh liên quan đến quản lý tòa nhà và vận hành hệ thống dựa trên kinh nghiệm thực tiễn hoặc từ các dự án trước đó.
  • Tham gia cuộc họp đóng góp ý tưởng thiết kế cũng như các cuộc hội thảo nhằm nắm bắt mục tiêu thiết kế và đóng góp ý kiến khi cần thiết.
  • Phối hợp với Chuyên gia tư vấn LOTUS trong việc phát triển các quy định và chương trình liên quan đến vận hành đáp ứng yêu cầu tại các khoản mục của LOTUS.
  • Tham gia các buổi hướng dẫn và tọa đàm do đơn vị CxA tổ chức sau khi hoàn thành xây dựng.
  • Tham gia quy trình theo dõi, đánh giá hiệu năng vận hành sau khi bàn giao công trình.

 9 – Nhà thầu chính hoặc Đơn vị Quản lý xây dựng

Nhà thầu chính hoặc đơn vị quản lý xây dựng cần tham gia ngay từ khi bắt đầu một dự án LOTUS. Các quyết định lựa chọn và thu mua vật liệu xây dựng cần tham khảo ý kiến họ. Hơn nữa, nhà thầu cần sớm cung cấp cho đội thiết kế những phản hồi liên quan đến các vấn đề về khả năng xây dựng để tránh những thay đổi gây phát sinh chi phí lớn vào các giai đoạn về sau của quy trình thiết kế. Trách nhiệm chung của nhà thầu chính có thể bao gồm:

  • Cung cấp thông tin cho đội dự án về quy trình mua bán và cách thức triển khai các công việc trong suốt quá trình xây dựng.
  • Cung cấp ước tính chi phí sơ bộ của dự án và ước tính chênh lệch chi phí khi thực hiện các giải pháp xanh khác nhau.
  • Đánh giá các thông số kỹ thuật do đội thiết kế cung cấp, nắm bắt những yêu cầu cụ thể của hệ thống LOTUS và phản hồi những trở ngại hoặc khúc mắc nếu có.
  • Đảm bảo quá trình thi công các giải pháp xanh được triển khai phù hợp với yêu cầu của LOTUS và lưu lại hồ sơ, dữ liệu phục vụ quá trình đánh giá LOTUS sau này.
  • Phối hợp với CxA trong việc đảm bảo tất cả các hệ thống vận hành đúng như thiết kế.
  • Quản lý công trường phù hợp với yêu cầu của LOTUS, ví dụ như quản lý rác thải xây dựng, khói bụi, tiếng ồn.
  • Cung cấp các hồ sơ cần thiết giúp chứng minh công trình đáp ứng yêu cầu tại các khoản mục của LOTUS

10 – Đơn vị Thiết kế nội thất

Trong mỗi một dự án LOTUS, người thiết kế nội thất sẽ có vai trò tích hợp giải pháp vật liệu xanh và thiết kế không gian nội thất nhằm nâng cao trải nghiệm môi trường bên trong công trình của người sử dụng. Nhiệm vụ chính của đơn vị thiết kế nội thất có thể bao gồm:

  • Phối hơp với kiến trúc sư nhằm thiết kế các không gian nội thất có thể tối ưu chiếu sáng tự nhiên và tầm nhìn của người sử dụng.
  • Cung cấp thông tin về lựa chọn vật liệu dựa trên các yêu cầu của công trình xanh.
  • Đảm bảo các yêu cầu và thông số kỹ thuật giúp đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh được tích hợp trong bản vẽ thiết kế.

 11 – Chuyên gia Mô phỏng năng lượng

Chuyên gia mô phỏng năng lượng có thể là thành viên đội MEP, đội chuyên gia tư vấn công trình xanh hoặc cũng có thể là một chuyên gia tư vấn độc lập do chủ đầu tư lựa chọn. Nhiệm vụ chính của chuyên gia mô phỏng năng lượng có thể bao gồm:

  • Phân tích tác động của khối và hướng của công trình đối với các hệ thống cơ điện và hiệu năng vận hành.
  • Thực hiện mô phỏng năng lượng cho công trình vào tất cả các giai đoạn thiết kế, đưa ra ý kiến phản hồi cho đội thiết kế để công trình được tối ưu và đạt hiệu năng vận hành cao nhất.
  • Đề xuất các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả liên quan đến lớp vỏ, hệ thống HVAC và chiếu sáng của công trình.
  • Phối hợp với đội thiết kế nhằm đưa ra các giải pháp đổi mới và hiệu chỉnh lại các lựa chọn hệ thống nhằm duy trì mức tiêu thụ năng lượng theo các mục tiêu đã đặt ra và đáp ứng yêu cầu tại các khoản mục của LOTUS.
  • Đảm bảo các giả thuyết mô hình về năng lượng được kết hợp trong bản vẽ thiết kế.
  • Hỗ trợ trình nộp hồ sơ đánh giá theo yêu cầu của LOTUS về mô phỏng năng lượng.

12 – Chuyên gia tư vấn về Chiếu sáng/ Chiếu sáng tự nhiên

Chuyên gia tư vấn cung cấp dịch vụ mô phỏng chiếu sáng và chiếu sáng tự nhiên có thể do chủ đầu tư lựa chọn. Trong một số trường hợp, chuyên gia tư vấn công trình xanh/LOTUS có thể thực hiện mô phỏng chiếu sáng tự nhiên và kỹ sư điện thực hiện mô phỏng hệ thống chiếu sáng. Chủ đầu tư có thể lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập hoặc một thành viên trong nhóm hiện tại, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn của họ. Trong trường hợp một chuyên gia tư vấn về chiếu sáng đảm nhiệm cả vai trò mô phỏng chiếu sáng và mô phỏng chiếu sáng tự nhiên, nhiệm vụ chính của chuyên gia tư vấn có thể bao gồm:

  • Hỗ trợ đội thiết kế đưa ra quyết định về hướng, khối và vỏ công trình dựa trên ảnh hưởng của các yếu tố đó tới thiết kế hệ thống chiếu sáng và chiếu sáng tự nhiên.
  • Chuẩn bị mô hình mô phỏng chiếu sáng tự nhiên từ đầu giai đoạn thiết kế nhằm giúp đội thiết kế đưa ra quyết định phù hợp về kích thước, loại cửa sổ, loại kính, v.v.
  • Chuẩn bị các nghiên cứu trắc quang tại khu đất xây dựng, thiết kế hệ thống chiếu sáng và điều khiển chiếu sáng trong công trình đáp ứng yêu cầu tại các khoản mục của LOTUS.
  • Phối hợp với chuyên gia mô phỏng năng lượng nhằm nắm bắt được tác động của các giải pháp chiếu sáng khác nhau tới hiệu quả sử dụng năng lượng của toàn công trình.
  • Kết hợp các công nghệ tiên tiến như cảm biến ánh sáng tự nhiên, ống lấy sáng (solatube)… nhằm tối ưu lợi ích của chiếu sáng tự nhiên và giảm thiểu sự phụ thuộc vào chiếu sáng nhân tạo.

13 – Đơn vị Nghiệm thu – Vận hành – Chạy thử

Vai trò của đơn vị nghiệm thu – vận hành – chạy thử (CxA) là đảm bảo các hệ thống trong công trình được lắp đặt và vận hành theo đúng yêu cầu của chủ dự án và thiết kế công trình. Nghiệm thu – vận hành – chạy thử được khuyến khích cho mọi dự án theo LOTUS. Chủ dự án cần lựa chọn CxA ngay từ khi bắt đầu giai đoạn thiết kế.

Trách nhiệm chung của đơn vị CxA có thể bao gồm:

  • Đánh giá bản vẽ nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhu cầu của chủ đầu tư và yêu cầu của dự án.
  • Phối hợp với nhà thầu trong việc xác nhận quá trình lắp đặt và đánh giá hiệu năng của các hệ thống được vận hành thử.
  • Phát triển bản hướng dẫn cho các hệ thống được vận hành thử nhằm nâng cao hiệu quả vận hành nếu cần thiết.
  • Báo cáo tóm tắt quá trình nghiệm thu – vận hành – chạy thử.

KẾT

Cơ cấu thành viên nhóm cốt lõi của dự án sẽ thay đổi theo từng dự án tùy vào trình độ chuyên môn của thành viên và loại hình dự án. Ví dụ, nếu kỹ sư cơ điện có chuyên môn về mô phỏng năng lượng thì dự án không bắt buộc phải thuê chuyên gia mô phỏng năng lượng. Tương tự, nếu chuyên gia tư vấn xanh có chuyên môn về mô phỏng chiếu sáng tự nhiên thì cũng không cần thiết phải thuê chuyên gia mô phỏng chiếu sáng tự nhiên. Các thành viên đội dự án cần đảm bảo hiệu quả trong trao đổi thông tin, sẵn sàng hợp tác với nhau và có kiến thức chuyên môn chắc chắn.